Những kiến thức về bệnh thiếu máu chắc chắn bạn không nên bỏ qua

09/12/2017 0 Bình luận

Thiếu máu là gì?

Thiếu máu là tình trạng khi máu trong cơ thể thiếu hồng cầu hoặc hemoglobin. Hemoglobin là một loại phân tử có trong hồng cầu, chuyên chở oxy và tạo máu đỏ trong hồng cầu. Nếu thiếu hồng cầu hoặc hemoglobin, tế bào trong cơ thể sẽ không có đủ oxy. Triệu chứng bệnh thiếu máu xuất hiện khi các cơ quan không nhận đủ chất cần thiết để hoạt động.

Dưới đây là một số thông tin bạn nên chú ý:

  • Thiếu máu có thể là bệnh di truyền và trẻ sơ sinh có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
  • Trong quá trình sinh đẻ, phụ nữ rất dễ bị thiếu sắt. Bởi hầu hết nhu cầu về sắt của người mẹ trong thời kỳ mang thai  dùng để cung cấp cho thai nhi. Ngay sau khi sinh, người mẹ sẽ thường mất nhiều máu, có khả năng sẽ bị nhiễm trùng, sữa giảm, không đủ sữa cho con bú.
  • Nếu không nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, người già cũng có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu và suy nhược cơ thể.

Bệnh thiếu máu có nhiều loại, đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có nhiều cách điều trị. Thiếu sắt là loại bệnh thiếu máu phổ biến nhất, hoàn toàn có thể điều trị được nếu tăng cường bổ sung thêm sắt vào cơ thể. Một số bệnh thiếu máu như thiếu máu nhẹ, thường xuất hiện trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thiếu máu là căn bệnh mãn tính.

Nguyên nhân bệnh thiếu máu

Có đến hơn 400 loại bệnh thiếu máu được phát hiện, chia làm 3 nhóm:

Thiếu máu do mất máu

Trong quá trình chảy máu, hồng cầu có thể bị mất đi. Mất máu có thể xảy ra rất chậm trong một khoảng thời gian dài mà không bị phát hiện. Mất máu có thể do những nguyên nhân sau:

  • Viêm loét dạ dày; bệnh trĩ hoặc ung thư
  • Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau; thuốc chống viêm như aspirin; ibuprofen.
  • Kinh nguyệt hoặc sinh đẻ ở phụ nữ

Thiếu máu do giảm hoặc thiếu hồng cầu

Nguyên nhân thiếu hồng cầu có thể do cơ thể sản sinh ra quá ít hoặc có thể hồng cầu không thực hiện đúng chức năng của nó. Hồng cầu không thực hiện đúng chức năng là do thiếu chất khoáng trong cơ thể và vitamin cần thiết để hoạt động. Các tình trạng liên quan dẫn đến thiếu máu bao gồm:

  • Bệnh hồng cầu hình liềm: Đây là căn bệnh rối loạn máu di truyền, tế bào hồng cầu có hình dạng lưỡi liềm do ảnh hưởng của di truyền. Tế bào hồng cầu nhanh chóng bị vỡ ra, gây thiếu oxy trong máu. Hình dạng lưỡi liềm của hồng cầu có thể làm nghẽn mạch máu, gây ra những cơn đau. Căn bệnh này liên quan đến vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng nặng; cơn đau trầm trọng và có thể dẫn đến tử vong.
  • Thiếu sắt: Xảy ra khi thiếu sắt trong cơ thể. Tủy xương cần sắt để tạo ra hemoglobin, phân tử vận chuyển oxy trong tế bào hồng cầu. Không có đủ chất sắt, cơ thể không thể cung cấp đủ hemoglobin cho tế bào hồng cầu. Thiếu sắt do những nguyên nhân sau:
    • Thiếu sắt trong khẩu phần ăn, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh, trẻ em, người ăn chay.
    • Sự trao đổi chất cần thiết của phụ nữ mang thai và cho con bú có thể dẫn đến thiếu sắt.
    • Kinh nguyệt ở phụ nữ
    • Thường xuyên đi hiến máu
    • Tập luyện độ bền (như chạy bền) quá sức
    • Sau phẫu thuật ruột hoặc dạ dày
    • Sử dụng đồ uống có chứa caffeine.
  • Thiếu vitamin: Xảy ra khi thiếu vitamin B12 và folate. Đây là những loại vitamin cần thiết cho tế bào hồng cầu. Điều kiện dẫn đến thiếu máu do thiếu vitamin bao gồm:
    • Thiểu vitamin B12 do nhiễm trùng ký sinh đường ruột; sau cuộc phẫu thuật ruột và dạ dày; ảnh hưởng của HIV.
    • Thiếu chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn ít hoặc không ăn thịt động vật (thịt lợn, thịt bò,…) là nguyên nhân gây nên thiếu vitamin B12. Nhưng quá ít rau cũng sẽ gây thiếu folate.
    • Phụ nữ mang thai, lạm dụng thuốc, lạm dụng rượu bia, bệnh đường ruột như viêm loét dạ dày tá tràng cũng là những nguyên nhân gây nên thiếu máu.

Trước khi mang thai, cung cấp folate cho phụ nữ có thể giúp thai nhi phát triển não.

  • Những vấn đề về xương tủy và tế bào gốc: có thể ngăn cản cơ thể sản sinh hồng cầu. Một số tế bào gốc được tìm trong xương tủy phát triển thành hồng cầu. Nếu tế bào gốc quá ít, yếu hoặc bị thay thế bởi tế bào khác (như tế bào di căn của ung thư) có thể dẫn đến thiếu máu. Nguyên nhân thiếu máu bởi vấn đề xương tủy và tế bào gốc bao gồm:
    • Thiếu máu không tái tạo: Hình thành khi tình trạng số lượng tế bào gốc trong máu giảm xuống.  Thiếu máu không tái tạo có thể do di truyền, hoặc xuất hiện khi xương tủy bị tổn thương bởi thuốc, xạ trị, hóa học, hoặc nhiễm trùng
    • Thalassemia xuất hiện khi hồng cầu không thể phát triển tốt. Thalassemia là bệnh di truyền. Mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này có thể nhẹ hoặc đe dọa tính mạng.
    • Tiếp xúc chì là chất độc bị nhiễm vào xương tủy dẫn đến sản sinh ít hồng cầu. Tình trạng này xảy ra đối với người lớn khi bị nhiễm chất chì thường xuyên do môi trường làm việc. Trẻ em khi nuốt sơn vào cơ thể cũng rất dễ nhiễm độc chì. Thực phẩm khi nhiễm chì cũng gây đến nhiễm độc chì, ví dụ như ăn xôi có gói báo giấy.
  • Nguyên nhân khác: Xảy ra khi có ít hooc môn cần thiết cho sự sản sinh cho hồng cầu. Tình trạng gây thiếu máu này bao gồm:
    • Do sự phát triển của bệnh thận
    • Giảm hoạt động của tuyến giáp
    • Tuổi già
    • Bệnh mãn tính khác như ung thư, nhiễm trùng, bệnh lupus, bệnh tiểu đường, bệnh viêm khớp.

Thiếu máu do sự phá hủy của hồng cầu

Khi hồng cầu yếu và không chịu được áp lực của hệ thống lưu thông máu, nó có thể bị vỡ ra, dẫn đến chứng tan máu. Chứng tan máu có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc phát triển sau này. Đôi khi, chứng tan máu không rõ nguyên nhân từ đâu, nhưng dưới đây là một số tình trạng dẫn đến chứng bệnh này

  • Do di truyền như bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm và bệnh thalassemia
  • Các tác nhân gây căng thẳng do nhiễm trùng, lạm dụng thuốc, nỗi sợ hãi, lo lắng.
  • Chất độc từ gan hoặc ảnh hưởng từ bệnh thận.
  • Bệnh huyết tán ở trẻ nhỏ
  • Bệnh hở van tim, u bướu, ghép mạch, nhiễm độc bởi chất hóa học, rối loạn máu đông, huyết áp cao,…
  • Trong một số trường hợp, lá lách to có thể “bẫy” và phá hủy hồng cầu trước khi hết thời gian lưu thông.

BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: